Ngày 15/4/2024, kỳ sinh hoạt chuyên môn lần thứ 04/2024 diễn ra tại Hà Nội. Đây là kỳ sinh hoạt lần thứ 04 năm 2024 của Câu lạc bộ Kế toán trưởng toàn quốc (VCCA) thuộc Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam (VAA) phối hợp cùng Ủy ban chuẩn mực kế toán quốc tế (IASB), Hiệp hội Kế toán công chứng Anh Quốc (ACCA) và Công ty PwC Việt Nam tổ chức.
Tham dự kỳ sinh hoạt có bà Linda Mezon-Hutter, Phó Chủ tịch Ủy ban chuẩn mực kế toán quốc tế (IASB).
Bà Linda một trong những người có đóng góp to lớn vào sự phát triển và ứng dụng của các tiêu chuẩn kế toán quốc tế. Sự hiện diện của bà tại sự kiện ngày hôm nay không chỉ là một vinh dự mà còn là một cơ hội quý báu cho chúng tôi để học hỏi và cùng nhau chia sẻ những kiến thức và kinh nghiệm chuyên sâu trong lĩnh vực này.
Về phía Hiệp hội Kế toán công chứng Anh Quốc (ACCA), có ông Tô Quốc Hưng, Hội viên cao cấp Câu lạc bộ kế toán trưởng, Giám đốc quốc gia ACCA Việt Nam.
Ông Trịnh Đức Vinh, Chủ nhiệm CLBKTT, Phó cục trưởng Cục Quản lý giám sát kế toán kiểm toán – Bộ Tài chính
Về phía Công ty PwC Việt Nam có Bà Lương Thị Ánh Tuyết, Hội viên cao cấp Câu lạc bộ kế toán trưởng, Hội viên kỳ cựu ACCA,Phó Tổng giám đốc PwC Việt Nam.
Phát biểu tại buổi tiếp, bà Linda Mezon-Hutter – Phó Chủ tịch IASB cho biết, nắm được thông tin Việt Nam chuẩn bị áp dụng IFRS, phía IASB đã rất mong muốn được chia sẻ thông tin cũng như kinh nghiệm các nước khác đã áp dụng để đưa ra những nội dung phù hợp với số lượng đông đảo doanh nghiệp Việt Nam. Do đó, Phó Chủ tịch IASB bày tỏ hy vọng buổi làm việc hôm nay sẽ đem đến cho Việt Nam những trao đổi thực sự hữu ích.
Để tạo điều kiện thuận lợi khi áp dụng IFRS tại Việt Nam, bà Linda Mezon-Hutter khuyến nghị Việt Nam cần đánh giá, phân tích chi tiết sự khác biệt giữa IFRS và các chuẩn mực, quy định trong nước, có thể nghiên cứu ban hành các tài liệu đánh giá và phân tích những điểm khác biệt giữa Chuẩn mực trong nước và IFRS để công bố cho công chúng. Khuyến nghị các đơn vị liên quan nghiên cứu và xây dựng kế hoạch, trong đó cần xác định được thời gian để thực hiện việc chuyển đổi sang IFRS và dự trù chi phí thực hiện; Xây dựng và chuẩn bị cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin cho việc chuyển đổi.
Theo bà Linda Mezon-Hutter, Việt Nam cần chú trọng nghiên cứu, đào tạo về IFRS cho đội ngũ nguồn nhân lực về kế toán, kiểm toán cũng như các doanh nghiệp triển khai áp dụng; Tối đa hóa việc tận dụng các nguồn lực từ phía chuyên gia của các công ty kế toán, kiểm toán lớn trên thế giới và trong khu vực, có nhiều kinh nghiệm trong việc tư vấn áp dụng IFRS. Việc phân loại doanh nghiệp theo quy mô như Việt Nam đang làm là rất quan trọng vì không phải doanh nghiệp nào năng lực cũng giống nhau. Yếu tố này là điều cần thiết và có lợi cho Việt Nam trong tiến trình áp dụng IFRS.
*Theo tin tức của CLB Kế toán trưởng toàn quốc